23 C
Vietnam
Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024

Trẻ đau bụng khóc thét, bệnh gì?

Trẻ đau bụng khóc thét, bệnh gì? - Ảnh 1.

Một số trường hợp trẻ bị lồng ruột đến bệnh viện trễ sẽ có biểu hiện trướng bụng – Ảnh: BV cung cấp

Một số gia đình thì nghĩ con chỉ bị rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu… nên không đưa trẻ đến bệnh viện mà tự điều trị, nhưng nếu trẻ bị lồng ruột mà không được điều trị sẽ dẫn đến biến chứng đáng tiếc.

Trong trường hợp trẻ nhỏ đột ngột khóc thét, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi còn bú mẹ (dưới 24 tháng tuổi), các bác sĩ cho biết cha mẹ nên nghĩ đến căn bệnh lồng ruột mà trong dân gian hay gọi là bệnh “lộn ruột” ở trẻ em.

Bác sĩ Nguyễn Phước Tài – khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho hay bệnh lồng ruột là trạng thái bệnh lý do một đoạn ruột chui vào lòng một đoạn ruột kế cận, gây ra tắc ruột. Đây là bệnh lý thường gặp trẻ còn bú dưới 24 tháng, nhiều nhất ở trẻ từ 4-9 tháng tuổi.

Khi bị “lồng ruột” trẻ đau bụng thế nào?

Do ở độ tuổi này trẻ chưa biết nói, chưa thể diễn tả được mình đau ở đâu hay bị khó chịu gì…, cách diễn đạt của trẻ là khóc, khi bị lồng ruột biểu hiện sẽ là đau bụng làm từng cơn nên trẻ khóc thét từng cơn theo cơn đau bụng.

Sau đó trẻ bị nôn ói, sau nôn ói có thể giảm đau hơn, biểu hiện dễ nhận biết là trẻ đi tiêu phân nhầy máu (phân như máu cá). Trường hợp cha mẹ không phát hiện, chậm đưa đến bệnh viện điều trị, trẻ sẽ có biểu hiện trướng bụng.

Theo y khoa, khoảng 90% bệnh nhi bị lồng ruột nguyên phát là bệnh lý chưa tìm được nguyên nhân; một số trường hợp do các nguyên nhân di tật bẩm sinh.

Nên làm gì khi nghi trẻ bị “lồng ruột”?

Người trông giữ trẻ nên theo dõi phát hiện kịp thời các biểu hiện diễn biến sức khỏe của trẻ, khi thấy trẻ nhỏ đang chơi đùa hoặc ngủ đột ngột khóc thét, có biểu hiện đau bụng thành từng cơn nên nghĩ ngay đến chứng lồng ruột.

Khi đó đưa trẻ đến thăm khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa nhi, bác sĩ sẽ thăm khám và siêu âm ổ bụng cho trẻ để kiểm tra. Khi phát hiện lồng ruột sớm ở trẻ nhỏ, việc điều trị sẽ rất đơn giản, 90% bệnh nhi được tháo lồng bằng thủ thuật bơm hơi không phải phẫu thuật.

Trong một số trường hợp trẻ đến bệnh viện muộn hoặc thất bại với bơm hơi hay nguyên nhân khác, trẻ có thể bị biến chứng thủng ruột hoặc tắc ruột… Nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Trong dân gian, nhiều người vẫn còn có quan niệm sai lầm là trẻ cười nhiều, hay chạy nhảy nô đùa nhiều… sẽ dễ bị “lộn” ruột. Điều này hoàn toàn không có cơ sở vì đây là bệnh lý y khoa gọi là lồng ruột nguyên phát, phần lớn chưa tìm được nguyên nhân. 

Khi trẻ đã mắc, sau đó vẫn có thể tái phát nên cần chú ý theo dõi sức khỏe, ngay cả sau khi đã được điều trị tại bệnh viện. Khi có những biểu hiện nghi ngờ, cần đưa ngay đến bệnh viện chuyên khoa nhi để được thăm khám, điều trị kịp thời, bác sĩ Tài khuyến cáo.

Tin Mới

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Tức Liên Quan
    Chat Messenger Chat Zalo