Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khẩu phần ăn chay là khẩu phần ăn thuần thực vật.
Vì vậy, người ăn chay trường không đúng cách có thể thiếu một số vitamin và chất khoáng, đặc biệt thiếu sắt, kẽm, canxi dẫn tới thiếu máu, loãng xương, đau nhức xương, đái tháo đường.
Ông Ninh cũng cho biết có một số người áp dụng chế độ ăn chay trường tới khám tại Viện Y học ứng dụng Việt Nam bị bệnh đái tháo đường và thiếu máu do chế độ ăn. Những người này da thường xanh, bủng.
“Ngày nay, tất cả các loại thực phẩm làm từ gạo thường được xay xát trắng nên mất hết vitamin và chất xơ, chất khoáng. Vậy nên khi ăn thực phẩm làm từ gạo là ăn tinh bột và đường. Lượng tinh bột và đường nạp vào nhiều nên sẽ trở thành béo phì và đái tháo đường” – ông Ninh nói.
Ông Ninh cũng cho rằng nhiều người ăn chay dù ăn nhiều rau quả nhưng vẫn thiếu vitamin bởi vitamin trong rau quả có nhiều khi dùng tươi, chưa nấu lên. Còn khi đã nấu lên, nhất là nấu quá kỹ thì hầu như sẽ bị mất hết vitamin.
Vì thế để ăn chay đủ chất, cần đảm bảo bữa ăn có đủ thành phần chất đạm, đường, béo và các vi chất. Ví dụ những thực phẩm chay giàu sắt là các loài họ đậu, hạt hướng dương, ngũ cốc, bột mì, bắp cải, cải canh, mơ, nho.
Bổ sung canxi không thể không nhắc đến đậu, vừng, rau muống, mồng tơi, rau dền, rau đay, rau ngót.
Tiền chất vitamin A có tên là caroten lại vô cùng phong phú trong gấc, cà chua, cà rốt, bí ngô. Gạo, ngô, khoai, sắn cung cấp khẩu phần về glucid…
Ăn chay có giảm cân?
Theo ông Nguyễn Xuân Ninh, ăn chay trường cũng là một biện pháp để giảm cân, nhưng dù ăn chay hay không ăn chay thì người ăn cần phải có kiến thức khoa học về dinh dưỡng.
“Người ăn chay cần phải biết tính toán lượng calo, lượng đạm, đường, mỡ cho cơ thể của mình cần thiết là bao nhiêu và ăn sao cho phù hợp với cơ thể mình. Rất nhiều người ăn chay tới khám và được phát hiện cơ thể bị suy nhược vì thường ngày chỉ ăn rau, muối vừng, thi thoảng ăn đậu.
Tôi khẳng định ăn trường chay để giảm cân là một biện pháp sử dụng được nhưng cần phải có sự tính toán khoa học để người ăn không bị thiếu chất” – PGS Ninh cho hay.
Trẻ em thừa cân, béo phì nên áp dụng liệu pháp giảm cân nào?
Theo ông Ninh, trẻ đang ở tuổi vị thành niên trừ khi tăng cân quá nhiều thì mới có chỉ định giảm cân.
Còn lại, trẻ lứa tiểu học hoặc trung học cơ sở đang ở tuổi phát triển thì thường đề ra chế độ giảm cân theo hướng: không phải hôm nay đang 70kg, ngày mai giảm xuống 65, 60kg mà phải kìm hãm, thay đổi chế độ ăn khoa học để trẻ giữ nguyên cân nặng, không tăng cân lên hoặc có giảm một chút ít.
Trẻ thừa cân, béo phì ở độ tuổi trung học cơ sở và tiểu học thường ăn rất ngon miệng, ăn nhiều đồ béo, nhiều chất bột, đồ ăn nhanh nên tăng cân rất nhanh. Có những trẻ khi tới khám, bố mẹ cho biết một năm tăng lên 20kg.
“Cần kìm hãm cân nặng của trẻ béo phì, giúp trẻ không tăng cân lên nữa bằng cách giảm chất bột, đồ ăn nhanh, đồ ngọt, ăn nhiều rau, chất xơ, chia nhiều bữa nhỏ, tập luyện thể dục. Nhưng những trẻ này dù không tăng cân nhưng vẫn tăng chiều cao vì trẻ vẫn đang ở lứa tuổi phát triển. Vì vậy, không nên áp dụng chế độ ăn chay cho trẻ để giảm cân” – PGS Ninh hướng dẫn.
Nhiều trẻ em gái béo phì do lo sợ, ăn kiêng quá nên bị loãng xương, thiếu vitamin, chất khoáng dẫn tới cơ thể không phát triển được hoặc chậm phát triển.
Với trẻ em thừa cân, béo phì cần sự phối hợp giám sát chặt chẽ giữa các bác sĩ dinh dưỡng và gia đình. Cần nói cho trẻ hiểu được vấn đề để cùng hợp tác trong chế độ ăn uống. Nếu trẻ không thực sự hiểu chuyện và ép trẻ, cấm ăn thì đó là điều rất khó khăn.