Bác sĩ CKII Thái Văn Hùng – phòng khám tư vấn và điều trị giảm cân Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) – cho biết béo phì đang là một căn bệnh làm tăng gánh nặng về kinh tế – xã hội, tăng nguy cơ mắc các bệnh đi kèm liên quan đến béo phì, đặc biệt là đái tháo đường.
Nguyên tắc chế độ ăn để quản lý cân nặng là cần giảm lượng thức ăn, nhưng cần đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể. Một chế độ ăn phù hợp theo nguyên tắc này là cần lựa chọn các thực phẩm giàu protein và ít lipid gồm: thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, phô mai gầy, trứng, đậu đỗ.
Mỗi ngày cần uống đủ từ 2 – 2,5 lít nước. Nếu uống sữa, nên uống sữa dành cho người thừa cân béo phì hoặc sữa tách béo không đường, sữa giàu canxi, sữa chua ít hoặc không đường…
Về rau xanh và quả chín, nên ăn khoảng 500 gam/ngày và nên chế biến ở dạng luộc, nấu canh, làm nộm, rau trộn salad. Tăng cường ăn rau, củ, trái cây ít ngọt như táo, dưa hấu, mận, ổi, thanh long…
Nên ăn ít tinh bột, nếu cảm thấy đói có thể ăn tăng nhóm rau củ quả để bù vào dạ dày, hoặc các loại thực phẩm ít năng lượng nhưng giúp bạn no như cuốn bánh tráng với cá hấp nhiều rau, gỏi cuốn…
Những thực phẩm nhóm tinh bột còn nhiều chất xơ nên dùng như: bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ.
Hạn chế ăn muối, chỉ dưới 6 gam/ngày, nếu có tăng huyết áp thì chỉ 2 – 4 gam/ngày. Khi cung cấp đủ vitamin và muối khoáng, cần biết những khẩu phần ăn dưới 1.200Kcal thường thiếu hụt vitamin và khoáng chất cần thiết như canxi, sắt, vitamin E..
Người thừa cân, béo phì không nên dùng những thực phẩm như: chất béo (thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò…), thực phẩm nhiều cholesterol (não, tim, gan, thận, lòng lợn…), những món ăn đưa thêm chất béo (bánh mì bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán…), thức ăn giàu năng lượng (đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, sô cô la, nước ngọt…), đồ uống có chất kích thích (rượu, bia, cà phê…).
Bác sĩ Hùng lưu ý ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no, không bỏ bữa, cũng không để quá đói (vì sẽ ăn nhiều vào các bữa sau). Buổi tối không ăn sau 20h.
Ngoài việc áp dụng chế độ ăn trên, nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30 phút/ngày với các loại hình như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp…
Cần đảm bảo ngủ đủ từ 7- 8 tiếng mỗi ngày và nên ngủ sớm, hạn chế thức khuya. Ngoài ra, cần theo dõi cân nặng hằng tuần và khám sức khỏe định kỳ mỗi 3 – 6 tháng/lần.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tỉ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Đáng lưu ý, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường (5 – 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19% năm 2020, trong đó tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Theo bác sĩ Thái Văn Hùng, việc quản lý được béo phì là đa yếu tố, các phương pháp điều trị béo phì bao gồm: các can thiệp toàn diện về lối sống như liệu pháp dinh dưỡng, hoạt động thể chất, liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc.
Do đó, những người có BMI từ 23 trở lên nên cần gặp chuyên gia tư vấn sớm để có chiến lược can thiệp thích hợp.