19 C
Vietnam
Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Béo phì là tác nhân gây 13 loại ung thư vú, tử cung, thận…

Béo phì tăng nguy cơ mắc... 236 bệnh, tác nhân quan trọng gây ung thư - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K – Ảnh: BVCC

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết – đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ai cũng biết béo phì làm tăng nguy cơ nhiều bệnh nguy hiểm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ…, nhưng chưa nghĩ đến nó lại là tác nhân quan trọng gây ung thư.

Người dân chưa nhận ra mối dây béo phì – ung thư

Các kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy người béo phì sẽ bị chết sớm khoảng 8 năm. Nguyên nhân là béo phì làm tăng nguy cơ mắc 236 bệnh, bao gồm nhiều bệnh nguy hiểm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, thoái khớp, đột quỵ… Đặc biệt, người béo phì có tăng nguy cơ bị mắc 236 bệnh, trong đó có 13 loại ung thư gồm:

– 6 loại ung thư đường tiêu hóa: Ung thư thực quản, đại trực tràng, túi mật, dạ dày, gan và ung thư tụy. Ung thư đường tiêu hóa chiếm 26% tổng số ung thư và là nguyên nhân của 35% số người chết vì ung thư trên toàn cầu. Lưu ý là có đến 38% người béo phì bị ung thư gan do nguyên nhân xuất phát từ viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

– 7 loại ung thư khác gồm: Ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư thận, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến giáp, ung thư màng não và đa u tủy xương.

Các chuyên gia ung thư cho biết người dân chưa quan tâm và chưa có nhận thức đúng về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư. 

Kết quả khảo sát của Tổ chức Phòng chống ung thư Anh (PRCP) trên 3.293 người tham gia cho thấy: có tới 75% số người này không nghĩ rằng béo phì có thể gây ung thư. Trong khi thực tế tại Anh, cứ 20 người được chẩn đoán ung thư thì có 1 người béo phì.

Theo thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh, béo phì là nguyên nhân gây ra 18.100 ca ung thư mỗi năm và có xu hướng tăng lên 670.000 ca trong 20 năm tới.

Tương tự tại Mỹ, béo phì là nguyên nhân thứ 2 gây ung thư sau hút thuốc lá và được các chuyên gia dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu trong thập kỷ tới. Hằng năm có khoảng 1,7 triệu người Mỹ được chẩn đoán ung thư, trong số đó có tới 40% trường hợp có liên quan đến thừa cân, béo phì.

GS.TS Nguyễn Bá Đức, phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về béo phì với ung thư, nhưng tình trạng béo phì tăng nhanh ở người trưởng thành, tỉ lệ trẻ em thừa cân báo phì tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020) cũng là nguy cơ làm gia tăng bệnh nhân ung thư, đặc biệt là tình trạng ung thư ngày càng trẻ hóa. 

Nguyên nhân béo phì gây ung thư theo các nhà khoa học là do chính chức năng của chất béo: dự trữ năng lượng và liên tục lan truyền thông tin chỉ dẫn đến phần còn lại của cơ thể. Những thông tin này có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng tế bào, phản ứng hóa học trong tế bào và chu kỳ sinh sản của cơ thể. 

Khi cơ thể có quá nhiều chất béo, những tín hiệu được truyền đi xung quanh cơ thể có thể gây ra các rối loạn là nguồn gốc gây ung thư. 

Các nhà nghiên cứu đã xác định được khá nhiều cơ chế gây ra ung thư do béo phì, trong đó có 3 cơ chế chính béo phì dẫn đến ung thư là tế bào mỡ gây tăng quá trình viêm, gây tăng hormone tăng trưởng và hormone giới tính làm đột biến tế bào… 

Biết cách ăn chất béo 

Theo ông Nguyễn Bá Đức, để phòng tránh ung thư nói chung và người béo phì nói riêng thì khẩu phần ăn cân đối rất quan trọng với cơ thể. Các nghiên cứu đã chứng minh được chế độ ăn có liên quan tới trên 35% các loại ung thư. 

Khẩu phần ăn giàu chất béo, ít chất xơ và carbonhydrat làm tăng nguy cơ ung thư. Vì vậy, để giảm nguy cơ ung thư cần: duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng; ăn thức ăn đa dạng; trong chế độ ăn hằng ngày cần nhiều loại rau xanh và trái cây. 

Ăn tăng thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao như: các loại ngũ cốc nguyên hạt, cây họ đậu, rau xanh và trái cây; cắt giảm lượng chất béo vào cơ thể; hạn chế sử dụng các đồ uống có cồn; hạn chế dùng thực phẩm ướp muối, xông khói hay chứa nitrit.

Để phòng tránh ung thư cần giữ cân nặng ổn định với chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng từ 21 – 22. Đảm bảo trọng lượng cơ thể trong suốt thời kỳ thiếu niên, vị thành niên tiến tới giới hạn BMI bình thường khi 21 tuổi. Duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường từ khi 21 tuổi và tránh tăng cân và tăng vòng eo từ khi trưởng thành.

Vì vậy, cần chú ý tới chất béo trong khẩu phần ăn. Một chế độ ăn kiêng ít chất béo sẽ giảm nguy cơ ung thư nói chung. Không dùng quá nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật. 

Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có hàm lượng cao chất béo bão hòa và muối. Sử dụng cá thay cho các loại thịt đỏ là cách hiệu quả để giảm lượng chất béo bão hòa mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. 

Bên cạnh đó, ăn các loại cá chứa nhiều omega-3 như cá hồi và cá ngừ có thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư.

Tỉ lệ tăng nguy cơ mắc 13 bệnh ung thư của người thừa cân, béo phì so với người bình thường như sau:

1. Ung thư tử cung: 40% ung thư tử cung liên quan đến béo phì. Tỉ lệ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tử cung ở người béo phì là 4-7 lần so với người bình thường.

2. Ung thư thực quản: tăng cao gấp 2-4 lần.

3. Ung thư dạ dày: tăng cao gần gấp đôi

4. Ung thư gan: tăng cao gấp đôi

5. Ung thư thận: tăng cao gấp đôi

6. Đa u tủy: tăng nguy cơ từ 15-20%

7. U màng não: tăng lên từ 25-50%

8. Ung thư tụy: tăng cao gấp 1,5 lần

9. Ung thư đại tràng: tăng cao hơn 30%

10. Ung thư túi mật: tăng cao 60%, phụ nữ cao hơn nam giới

11. Ung thư vú: trước mãn kinh tăng 15%, sau mãn kinh tăng từ 20-40%. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư vú ở nam giới

12. Ung thư buồng trứng: tăng 10%

13. Ung thư tuyến giáp: chỉ tăng nhẹ 10%

(Theo Multiple Myeloma)

Tin Mới

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Tin Tức Liên Quan
    Chat Messenger Chat Zalo